Ai được giao bảo vệ Cụ Rùa: Không ai cả!

Tác giả: Mạc Văn Trang

Đất nước mình lạ thế, bao nhiêu chuyện xảy ra rồi, không biết ai phải chịu trách nhiệm.

Có kịp cứu Cụ Rùa Hồ Gươm không?

Từ khi đài, báo đưa tin và những hình ảnh đang xuất hiện một đàn rùa tai đỏ hoành hành ở Hồ Gươm, biết bao người dân lo lắng. Khi xem hình 2 chùm lưỡi câu mắc trên vai Cụ Rùa, rồi hình ảnh con rùa tai đỏ cưỡi trên lưng Cụ Rùa, tôi càng hết sức lo. Hôm qua đọc bài "Văn hóa Thủ đô – văn hóa lùn (?)" của Nguyễn Hữu Quý, xem cận cảnh vết thương và ánh mắt của Cụ Rùa tôi càng không thể nào yên.
Tác giả viết: "… Nhìn ảnh Cụ Rùa, xót xa cho Cụ, vì Cụ không có tay để nắm ngay mà đập cho đến chết những kẻ ngày ngày ngồi trên lưng cụ, để rồi "ăn" Cụ cho đến no nê (?!). Hoặc Cụ không cất lên thành tiếng, để nói rằng, lũ CON NGƯỜI tham lam, ngu dốt kia ơi, chúng bay đã hết cách để giữ lấy cái nơi mà bọn bay luôn luôn hô hào là linh thiêng bậc nhất của nước Nam này nữa rồi sao?!"…
* Chẳng lẽ Cụ Rùa linh thiêng sống mấy trăm năm với truyền thuyết Hồ Gươm huyền thoại như vậy, những lần xuất hiên lại không làm chúng ta linh cảm về một điều linh ứng gì đó sao?
Ảnh: Đoàn Đức Thành chụp 14h15 ngày 10-12-2010. …

Tôi cũng hoàn toàn có cảm nhận đúng như thế. Mỗi lần Cụ Rùa nổi lên, các nhà khoa học duy vật cố giải thích rằng đó là do thời tiết thay đổi… Nước thiếu ô-xy, Cụ nổi lên để thở. Nhưng rất nhiều người dân đều tin rằng mỗi lần Cụ xuất hiện đều có ý báo hiệu một điều gì đó.
* Ba ảnh trên nguồn Iternet.
Một chú bạch tuộc Paul non trẻ "tầm thường" còn dự báo đúng kết quả tất cả các trận đấu của đội tuyển bóng đá Đức ở giải vô địch Châu Âu mùa hè năm 2010, làm cả thế giới khâm phục. Chẳng lẽ Cụ Rùa linh thiêng sống mấy trăm năm với truyền thuyết Hồ Gươm huyền thoại như vậy, những lần xuất hiên lại không làm chúng ta linh cảm về một điều linh ứng gì đó sao?

Ít ra lần xuất hiện này của Cụ cũng truyền đi thông điệp như của tác giả Nguyễn Hữu Quý đã cảm nhận, đã phải thốt lên lo sợ, đau đớn, và được nhiều người cùng chia sẻ. Hình ảnh vết thương lở loét và con rùa tai đỏ cưỡi lên lưng Cụ cứ ám ảnh tôi khôn nguôi.

Tôi nhớ đến cảnh những con voi khổng lồ ở Châu Phi bị một bầy sư tử bao vây, quần cho mệt và chúng xúm lại, con thì nhảy lên lưng, các con khác thì kéo đuôi, kéo vòi… Chúng cào, cắn vào những chỗ mềm yếu nhất là bộ phận sinh dục, hậu môn… làm con voi giãy giụa trong đau đớn và kiệt sức gục ngã để bọn sư tử tha hồ ăn thịt. Trời ơi! Cảnh tượng một bầy ác thú rùa tai đỏ bao vây, ăn thịt Cụ Rùa của chúng ta có xảy ra tương tự không?

Liệu các biện pháp bắt rùa tai đỏ mà Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội còn đang dềnh dàng nghiên cứu, thử nghiệm… có kịp cứu Cụ Rùa không? Nói dại nếu các biện pháp giải cứu không kịp, để xảy ra mệnh hệ nào cho Cụ thì ai chịu trách nhiệm đây? Và khi đã xảy ra rồi, quy kết trách nhiệm còn cứu vớt được gì!? Thật đáng lo lắng và sợ hãi xiết bao!

Theo PGS Hà Đình Đức thì trong Hồ Gươm chỉ còn lại 1 Cụ Rùa duy nhất, đã sống 700 năm rồi. Liệu tuổi cao, sức yếu như vậy, trước sự tấn công ngày đêm của lũ ác thú rùa tai đỏ ngoại lai, Cụ có cầm cự được đến ngày Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội nghiên cứu xong biện pháp giải cứu.

Thế là trong thời đại này, ít nhất 2 Cụ Rùa Hồ Gươm linh thiêng đã bị chính chúng ta giết chết và Cụ còn lại cũng bị bầy ác thú do chính chúng ta rước về, thả xuống để giết nốt những gì còn lại của Hồ Gươm.

Tôi còn nhớ từ hồi tháng 8/2010, khi gặp PGS Hà Đình Đức, một chuyên gia nghiên cứu về Hồ Gươm, anh cho xem tấm ảnh có 2 chùm lưỡi câu móc trên lưng Cụ Rùa và rất lo lắng. Tôi hỏi "Ai được giao bảo vệ Cụ Rùa?". Anh bảo "Không ai cả, kiến nghị mãi rồi!". Đất nước mình lạ thế, bao nhiêu chuyện xảy ra rồi, không biết ai phải chịu trách nhiệm.

Tháng 4 năm 1968, một Cụ Rùa Hồ Gươm cũng nổi lên kêu cứu. Người ta thấy trên lưng Cụ bị một vết thương nặng, đang rỉ máu. Tin loan báo đi. Có người quy ngay cho mảnh bom, đạn Mỹ oanh tạc Hà Nội trước đó 2 ngày đã làm Cụ bị trọng thương.

Nhưng nguồn tin từ dân cho biết: Có kẻ tên là Thu đánh cá thuê cho Công ty Thực phẩm quốc doanh Hà Nội, trong khi kéo lưới bị Cụ Rùa cản trở nên đã dùng xà beng đâm mạnh, xuyên qua lớp mai mềm, cắm vào phổi… Các giải pháp cứu chữa đã không thành. Cụ mất vào ngày 08/4/1968. (Nay xác ướp được để tại đền Ngọc Sơn). Công an vào cuộc. Kẻ thủ ác đã trốn biệt và đến nay vẫn mất tăm!? Thế là chẳng ai chịu trách nhiệm.

Thực ra thì trước đó một Cụ Rùa khác cũng đã bị một vết thương nặng, chết nổi lên, người ta vớt xác, lấy bộ xương Cụ bảo quản tại chùa Hưng Ký (Q. Hoàng Mai- Hà Nội) và cũng chẳng điều tra kẻ thủ ác, chẳng ai chịu trách nhiệm. Sau những sự việc như vậy nay cũng không giao cho ai có trách nhiệm bảo vệ Cụ Rùa còn lại, liệu có thể nói gì nữa đây?

Thông điệp cay đắng, tuyệt vọng của Cụ Rùa

Tại sao những con vật ở sở thú thì có người bảo vệ ngày đêm, người chăm sóc nuôi dưỡng, có bác sĩ theo dõi bệnh tật, mà Cụ Rùa thì không. Hay vì ở sở thú người ta có bán vé thu tiền, còn Hồ Gươm thì không? Mà ngay đàn chim bồ câu thả lên trời nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, được nuôi hẳn hoi thì cũng đang chết dần chết mòn với nhiều lý do. Mà lý do nào cũng có vẻ có lý cả?

Cảnh tượng Cụ Rùa, báu vật của Hồ Gươm linh thiêng, nơi "lắng hồn núi sông ngàn năm", đang bị bầy ác thú rùa tai đỏ ngoại lại ngang nhiên tàn phá, nói lên điều gì của nhân tình thế thái hôm nay. Đó chẳng phải là thông điệp cay đắng, tuyệt vọng (hy vọng chưa phải cuối cùng) mà Cụ Rùa muốn nói với những CON NGƯỜI vô cảm chúng ta hôm nay không?

(Nguồn Tuần VietNam net)