65 NĂM NHÌN LẠI – HỘI KIẾN TRÚC SƯ VIỆT NAM
Với những công trình dấu ấn qua năm tháng

(Bài đăng Tạp chí Kiến trúc số 215- 03-2013)Chào mừng 65 năm Hội Kiến trúc sư Việt Nam)

KTS ĐOÀN ĐỨC THÀNH

Năm 1948, công cuộc kháng chiến được hơn một năm. Ở Việt Bắc, quân ta chiến thắng giòn giã trên các mặt trận. Chính phủ chủ trương tổ chức đại hội thành lập các hội: Văn hoá Việt Nam, Văn nghệ Việt Nam và các đoàn: Kiến trúc sư, Mỹ thuật, Âm nhạc, Sân khấu.
Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam – tức Hội Kiến trúc sư Việt Nam ngày nay – có vinh dự được tổ chức hội nghị thành lập đầu tiên tại Việt Bắc.
Ngay sau Tết Mậu Tý một tháng, vào trung tuần tháng ba năm 1948, dưới nắng chiều bên đồi cọ ở Ấm Thượng – Phú Thọ, hoạ sĩ Tô Ngọc Vân với cương vị Uỷ viên Ban Chấp hành lâm thời Hội Văn nghệ Việt Nam, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (Thao Trường) phóng viên báo Văn Nghệ đã cùng các kiến trúc sư ở Liên khu X Tạ Mỹ Duật, Nguyễn Nghi, Võ Đức Diên bàn về Hội nghị Kiến trúc sư Toàn quốc, thảo luận về Đại hội Tập, về hoạt động nghề,…
Ở Liên khu I, kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp quan tâm nhiều đến giới nghề, ông thường xuyên gặp gỡ lãnh đạo Bộ Giao thông – Công chính, tiền thân của Bộ Xây dựng ngày nay để bàn về hoạt động của giới nghề. Ở Liên khu III, kiến trúc sư Trần Hữu Tiềm liên lạc thường xuyên với Bộ trưởng Trần Đăng Khoa và được biết Bác Hồ chỉ thị trong hoàn cảnh nào cũng phải tập hợp anh em kiến trúc sư tổ chức thành một đoàn thể vững mạnh để đóng góp cho kháng chiến và sau khi kháng chiến thắng lợi. Kiến trúc sư Trần Hữu Tiềm đã tìm mọi cách để liên lạc được với hơn một chục kiến trúc sư đang sống rải rác khắp nơi: Nguyễn Ngọc Chân và Đoàn Văn Minh ở Liên khu IV; Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp và Phạm Quang Bình ở Liên khu I; Tạ Mỹ Duật, Nguyễn Nghi , Võ Đức Diên, Ngô Huy Quỳnh ở Liên khu X.

GIAI ĐOẠN KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP
Hội nghị thành lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam.

Ngày họp đã được ấn định. Đi đường vất vả nhất là ba kiến trúc sư ở Liên khu IV, Liên khu III. Các ông phải đi bộ mấy trăm cây số, vừa đi vừa hỏi thăm đường, tránh vòng vây địch, nhiều hôm ngày nghỉ, đêm đi vì phải qua vùng tề.
Sáng ngày 21-4-1948, ba kiến trúc sư Trần Hữu Tiềm, Nguyễn Ngọc Chân, Đoàn Văn Minh đặt chân đến làng Thản Sơn. Đây là một làng sơn cước, cây cối um tùm, đồi san sát như bát úp, nhà dân thưa thớt, không cách xa chân núi Tam Đảo là bao. Ngày ấy làng Thản Sơn ở thuộc xã Chiến Thắng, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên (nay là xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Hai hôm sau có thêm các kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Võ Đức Diên, Tạ Mỹ Duật, Phạm Quang Bình.
Sáng ngày 24-4-1948, khai mạc Hội nghị Kiến trúc sư Toàn quốc. Đến dự với 8 kiến trúc sư có lãnh đạo Bộ Giao thông Công chính, đại diện Ban Chấp hành lâm thời Hội Văn nghệ Việt Nam và chính quyền địa phương. Bộ trưởng kỹ sư Trần Đăng Khoa đọc diễn văn khai mạc và đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị Kiến trúc sư. Trong mấy ngày làm việc, các kiến trúc sư đã thảo luận và nghiên cứu lời dạy của Bác trong thư gửi giới nghề. Coi đó là ngọn đuốc soi đường cho kiến trúc sư vươn lên phục vụ đất nước. Đồng thời thảo luận kế hoạch và chương trình làm việc của các phòng kiến trúc ở các liên khu vừa được Bộ thành lập.
Sáng ngày 27-4-1948, Hội nghị chính thức thành lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam. Ra mắt Ban Chấp hành đầu tiên gồm ba kiến trúc sư, Tổng Thư ký: Hoàng Như Tiếp, Phó Tổng Thư ký: Trần Hữu Tiềm, Uỷ viên: Tạ Mỹ Duật. Sau Hội nghị, từng tốp kiến trúc sư lại toả về các địa phương hoạt động nghề nghiệp trên nhiều lĩnh vực song song với các hoạt động của các hội văn hoá nghệ thuật khác.
Tại Hội nghị Thản Sơn, các kiến trúc sư thế hệ đầu tiên đã tổ chức thành Phòng Kiến trúc ở các Liên khu để lập những đề án kiến trúc xây dựng đất nước với hai nhiệm vụ chính là:
1/ Nghiên cứu và thiết lập kiến trúc để kiến thiết thôn quê và thành thị.
2/ Tìm phương hướng để thực hiện dần dần công cuộc cải thiện đời sống
nhân dân về phương diện kiến trúc trong khắp thôn quê.
Tuy mỗi phòng chỉ có vài ba kiến trúc sư và một số hoạ viên, song đây là tổ chức thiết kế kiến trúc ở địa phương đầu tiên cùng thời gian ra đời với Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam.
Một hoạt động của giới kiến trúc sư ngay sau Hội nghị thành lập (1948) được nhân dân hoan nghênh là cuộc triển lãm về kiến trúc ở Ấm Thượng (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) lúc ấy được coi như Thủ đô của văn hóa kháng chiến. Các kiến trúc sư đã trưng bày những mẫu nhà ở cho các vùng đồng bằng, trung du, miền núi, các phương án thiết kế nhà câu lạc bộ, nhà văn hoá, hội trường, lớp học bình dân học vụ, trạm xá xã, trụ sở uỷ ban hành chính kháng chiến các cấp…đã khắc gỗ để in nhiều bản phát cho các địa phương. Tại triển lãm này cũng có các công trình để xây dựng đô thị sau khi kháng chiến thắng lợi. Nhiều người chú ý đến phương án Đài Độc lập của các kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật, Ngô Huy Quỳnh, Nguyễn Nghi. Triển lãm về kiến trúc đã là nguồn động viên để quân và dân ta chiến đấu anh dũng trên các mặt trận.
Từ những năm 1950, khi Vụ Kiến trúc còn đang ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, các kiến trúc sư đã nghiên cứu và trình Bộ đề cương kiến trúc sư phục vụ kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công. Tổ chức những chuyến đi dài ngày lên Bắc Cạn, Cao Bằng ghi chép tìm hiểu nhà sàn các dân tộc Tày, Nùng, nghiên cứu cải tiến để nhà ở của đồng bào hợp vệ sinh, thích hợp với đời sống mới. Trong sáng tác, các kiến trúc sư lấy phê bình kiến trúc làm trọng, do vậy mà luôn tổng kết, góp ý để phát triển nghề nghiệp. Ngày ấy nhiều công trình như Khu Giao tế Trung ương ở Thái Nguyên, Câu lạc bộ Văn hoá ở Liên khu Việt Bắc, các Đại hội tập tuy đáp ứng với yêu cầu sử dụng nhưng lại cầu kỳ, trang trí rườm rà, nặng về hình thức nên gây lãng phí tiền của nhân dân đã được các kiến trúc sư phê bình rút kinh nghiệm.
Công tác đào tạo kiến trúc sư: Trong núi rừng Việt Bắc, các kiến trúc sư ở Vụ Kiến trúc đã tập trung những sinh viên đang học dở dang ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương làm đồ án tốt nghiệp kiến trúc sư để sau này có điều kiện phát huy năng lực. Các ông Dương Hy Chấn, Đàm Trung Lãng, Đàm Trung Phường, Vương Quốc Mỹ đã được bảo vệ đồ án và Bộ Giao thông – Công chính xếp ngạch kiến trúc sư (1952).
Tháng 6-1950, theo đề nghị của Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam cần tập trung lực lượng sáng tác kiến trúc lớn mạnh để đáp ứng với yêu cầu mới, Bộ Giao thông – Công chính đã ra Quyết định thành lập Vụ Kiến trúc, cơ sở đóng ở Đại Từ – Thái Nguyên. Đây là tổ chức thiết kế đầu tiên ở Trung ương. Kiến trúc sư, hoạ viên, nhân viên ở Phòng Kiến trúc các Liên khu được tập trung về Vụ, gần 50 người, trong đó có 10 kiến trúc sư. Ban Giám đốc Vụ có kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh và kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, ngoài công viêc chuyên môn còn lo đời sống và sinh hoạt hàng ngày – làm lán trại, đào hầm trú ẩn, tăng gia sản xuất. Trong những năm tháng gian khổ ấy các kiến trúc sư đã quen với áo chàm, chân đất, ngày hai bữa cháo bẹ với rau tàu bay; da lúc nào cũng vàng do sốt rét kinh niên. dù trường kỳ kháng chiến, nhưng được trở lại với nghề để sáng tác – thế đã là niềm sung sướng, niềm vui của những kiến trúc sư cách mạng.
Cuộc sống mới yêu cầu những loại hình kiến trúc mới như hội trường, trụ sở ủy ban, lớp bình dân học vụ, nhà triển lãm, khu giao tế, nhà thông tin…vật liệu chủ yếu bằng tre, gỗ, nứa, lá, khai thác tại chỗ. Các kiến trúc sư đã sáng tác đáp ứng với nội dung sử dụng, tạo nên những hình thức mới, đường nét kiến trúc giản dị, ẩn mình trong rừng cây Việt Bắc, cấu tạo theo kỹ thuật truyền thống được gia công kỹ lưỡng, với vẻ đẹp nao lòng, đã phục vụ đắc lực cho nhiều yêu cầu hoạt động của chính quyền non trẻ, củng cố thêm niềm tin đối với quần chúng nhân dân. Đặc biệt quần thể công trình kiến trúc khu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II đã gây tiếng vang lớn.
Hiệp định Geneve 1954 lập lại hòa bình ở Việt Nam, đất nước bị chia cắt thành hai miền tạo những bối cảnh kinh tế xã hội khác nhau đối với hoạt động kiến trúc.
Sau ngày Giải phóng Thủ đô, các kiến trúc sư ở Vụ Kiến trúc trở thành nòng cốt ở Cục thiết kế Dân dụng, Cục Đô thị – Nông thôn thuộc Bộ Thuỷ lợi – Kiến trúc, sau này là Bộ Kiến trúc, trở thành hạt nhân sáng tác những đồ án quy hoạch, những tác phẩm kiến trúc sáng giá giữa thế kỷ XX.
Thủ đô Hà Nội được giải phóng đã tưng bừng đón đoàn quân chiến thắng trở về, gấp rút chuẩn bị cho cuộc đại lễ đón chào Bác Hồ, Đảng và Chính phủ. Địa điểm tiến hành lễ nghi này cũng chính là Quảng trường Ba Đình, nơi 9 năm trước từng có Lễ đài Độc Lập. Việc xây dựng công trình phục vụ đại lễ được giao cho kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh gồm hai công trình là Lễ đài và Đài Liệt sĩ. Trong thời gian rất ngắn, với vật liệu chủ yếu bằng gỗ, hai công trình đã được tạo dựng theo đường nét kiến trúc dân tộc rất bề thế và hoành tráng. Cũng với tinh thần phải làm gấp rút cho những hoạt động của Thủ đô mới giải phóng, một nhà hát và sân khấu ngoài trời cũng bằng gỗ đã nhanh chóng được xây dựng đủ chỗ cho 3000 người, đó là Nhà hát Nhân dân theo thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện.
Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
Nhiều kiến trúc sư là đại biểu của nhân dân các địa phương tham gia vào Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà: Huỳnh Tấn Phát (các khoá I, II, III, VI, VII, VIII), Nguyễn Cao Luyện (các khoá II, III, IV, V), Hoàng Linh (khoá I), Nguyễn Nghi (khóa II), Tạ Mỹ Duật (khoá III)
Sau ngày Giải phóng Thủ đô, đáp ứng với yêu cầu kế hoạch phục hồi kinh tế, trong điều kiện thiếu thốn về nguyên vật liệu xây dựng, các kiến trúc sư đã thiết kế nhiều công trình phục vụ dân sinh, công trình công cộng bằng tre gỗ với phương châm “nhanh nhiều tốt rẻ” đạt hiệu quả cao như khu nhà ở bằng gỗ 2 tầng ở Bờ Sông, An Dương. Nhà 1-2 tầng sàn mái bằng gạch cuốn không bê tông cốt thép, mái ngói vì kèo xít, cũng được nghiên cứu áp dụng.
Năm 1956, Trường đại học Bách khoa thành lập tại Hà Nội, ngay từ khoá đầu tiên đã chiêu sinh một lớp kiến trúc sư với 26 sinh viên. Nhưng chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên giảng dạy nên học được một học kỳ phải chuyển đổi nội dung trở về ngành xây dựng.
Ngoài ra, cũng phải kể đến sự đóng góp của các kiến trúc sư trên cương vị lãnh đạo các cơ quan chuyên môn ngành kiến trúc – xây dựng và được xem là các “con chim đầu đàn” của ngành chuyên môn này. Đó là vai trò lãnh đạo hai kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện và Vương Quốc Mỹ ở cương vị Thứ trưởng Bộ Kiến trúc. Các kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, Nguyễn Ngọc Chân ở cương vị lãnh đạo Cục thiết kế Dân dụng, Bộ Kiến trúc; Hoàng Như Tiếp, Ngô Huy Quỳnh, Đàm Trung Phường ở cương vị lãnh đạo Cục Đô thị và Nông thôn, Bộ Kiến trúc. Ngô Huy Quỳnh còn là Uỷ viên Uỷ ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước. Dương Hy Chấn, Viện trưởng Viện Công nghiệp, Bộ Xây dựng; Tạ Mỹ Duật, Phó Giám đốc kiêm Viện trưởng Viện Quy hoạch Hà Nội; Nguyễn Ngọc Diệm, Phó Giám đốc Công trình Thị chính.
Ngày 26, 27-4-1957 (đúng ngày này 9 năm sau Hội nghị Thản Sơn) giới kiến trúc sư tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ II, tại thư viện Quốc gia, Hà Nội, với sự có mặt 21 hội viên. Đây là hội nghị tập hợp lực lượng kiến trúc sư theo kháng chiến và kiến trúc sư ở vùng mới được giải phóng. Hội nghị đã thảo luận hai chủ đề quan trọng là: Tình hình hoạt động trong 10 năm qua và đấu tranh cho một nền kiến trúc dân tộc. Kiến trúc sư Hoàng Linh được bầu làm Tổng Thư ký, hai kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp và Trần Hữu Tiềm làm Phó Tổng Thư ký cùng 4 Uỷ viên Ban Chấp hành là các kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm, Nguyễn Cao Luyện, Ngô Huy Quỳnh, Khổng Toán. Sau này bổ sung qua các thời kỳ, Ban Chấp hành bổ sung thêm kiến trúc sư Vương Quốc Mỹ, kỹ sư Bùi Văn Các, các kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, Đặng Tố Tuấn, Cao Xuân Hưởng, Trịnh Hồng Triển, Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phạm Văn Mộc.
Năm 1958, với những hoạt động trên trường quốc tế, Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam đã nâng cao vị thế Kiến trúc sư Việt Nam, trở thành thành viên của Hội liên hiệp Kiến trúc sư Quốc tế (UIA).
.Giai đoạn sau đó, các kiến trúc sư đã thiết kế nhiều công trình với nội dung và hình thức mới, thể hiện đúng kiến trúc gạch, gia trị sử dụng lâu dài.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh đã được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ thiết kế ngôi nhà bằng gỗ dạng nhà sàn làm nơi ở và làm việc của Bác. Công trình giản dị như chính cuộc đời của Bác nay đã trở thành vật lưu niệm linh thiêng về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Năm 1960, Nhà nước chủ trương xây Lễ đài Ba Đình bằng gạch kiên cố hơn, kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh vẫn thiết kế theo tinh thần lễ đài gỗ trước đây, nhưng thể hiện đúng bản chất của vật liệu gạch và bê tông, hiện đại hơn nhưng vẫn mang phong cách kiến trúc truyền thống.
Cuối những năm 1950, đầu những năm 1960 cho tới ngày đất nước thống nhất, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội tiến hành ở miền Bắc đòi hỏi những cố gắng lớn lao để xây dựng một hệ thống hạ tầng cho xã hội mới. Các kiến trúc sư đã thiết kế nhiều trụ sở cơ quan làm việc, đầu tiên là Trụ sở Bộ Kiến trúc ở Vân Hồ do kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Chân thực hiện. Công trình có hình khối chắc, khỏe đánh dấu bước phát triển mới khu vực phía Nam của Hà Nội.
Công trình có kiến trúc gây ấn tượng vào lúc này là Trụ sở Tổng cục Thống kê do kiến trúc sư Đoàn Văn Minh thiết kế. Công trình có vị trí đẹp góc phố Hoàng Diệu và Hoàng Văn Thụ đã được tác giả khai thác khéo léo với mặt nhà cong như để ôm lấy một quảng trường trong tương lai. Tầng một là tầng đế vững chắc cho các tầng trên với các trụ giả suốt ba tầng tạo vẻ hoành tráng theo phong cách Kiến trúc Cổ điển (phương Tây).
Cũng ở khu Vân Hồ, nằm không xa trụ sở Bộ Kiến trúc còn có tòa nhà dùng làm Trụ sở Liên cơ quan của Hà Nội do kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn thiết kế, tạo được một hình ảnh kiến trúc bề thế và nhẹ nhõm. Trụ sở Ủy ban Hành chính tỉnh Nghĩa Lộ (cũ) kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện đã khai thác bộ mái cong của dân tộc Thái đen ở phòng họp hai đầu hồi, do đó công trình đã tạo nên sự gần gũi với nhân dân địa phương.
Kiến trúc trường học cũng là đòi hỏi lớn vào thời gian này. Gây ấn tượng mạnh về kiến trúc trường học thời kỳ này phải kể đến công trình Trường đại học Thủy lợi, một quần thể kiến trúc lớn trên một khu đất rộng, tác giả là kiến trúc sư Đoàn Văn Minh. Mặt chính tổng thể kiến trúc dàn ra cả một đoạn phố, chính giữa được nhấn mạnh bằng khối cao gắn bó chặt chẽ với các khối bên theo một tỷ lệ và nhịp điệu hài hòa.
Nằm trên một không gian bề thế về phía Tây của Thủ đô, kiến trúc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (do kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Chân thiết kế) với trung tâm là khối nhà Hội trường đặt trước không gian quảng trường ấm cúng, gây được ẫn tượng tốt bởi tính trang nghiêm, ngôn ngữ kiến trúc trong sáng.
Đóng góp cho thể loại kiến trúc trường học còn phải kể đến công trình của Trường trung cấp Thương nghiệp – sáng tác kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật với nhiều nét nhẹ nhàng, thanh thoát có phong cách mới mẻ.
Kiến trúc các công trình công cộng xây dựng vào thời kỳ này được xem là đóng góp vô cùng quan trọng của bàn tay các kiến trúc sư thế hệ đầu của nền kiến trúc mới Việt Nam. Có ý nghĩa lớn về chính trị và xã hội phải kể đến công trình Hội trường Ba Đình được sử dụng làm nơi họp Quốc hội và các đại hội lớn của Đảng và Nhà nước, trong lúc chưa xây dựng được trụ sở chính thức của Quốc hội. Các tác giả thiết kế là kiến trúc sư Trần Hữu Tiềm và kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện (khi đó là Thứ trưởng Bộ Kiến trúc có vai trò chỉ đạo). Việc xác định địa điểm xây dựng dựa theo phác thảo nhanh về Quy hoạch khu Ba Đình của kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh (với ý tưởng gắn kết hội trường với trụ sở của các bộ kề bên). Vào lúc mà điều kiện đầu tư xây dựng rất hạn hẹp và phải làm nhanh để sớm phục vụ, các tác giả đã phải vượt qua nhiều khó khăn để làm nên một kiến trúc có quy mô khá lớn vào lúc đó..
Một tác phẩm kiến trúc công cộng khác được đánh giá cao vào thời kỳ này là nhà Bảo tàng Việt Bắc ở Thái Nguyên do kiến trúc sư tài hoa Hoàng Như Tiếp thiết kế. Công trình có diện tích tới 2000m2, trên một đỉnh đồi, với 5 khối trưng bày được liên kết khéo léo bằng hành lang và tiền sảnh, có những sân trong làm vườn cảnh rất sinh động. Tác phẩm được đánh giá là thành công trong sự hài hòa giữa tính hiện đại và tính dân tộc.
Cùng với những đóng góp về kiến trúc công trình như nêu trên thì về mặt quy hoạch đô thị các kiến trúc sư lớp đầu tiên cũng có những đóng góp không nhỏ. Được chuyên gia các nước bạn XHCN khi đó giúp đỡ, việc lập quy hoạch các đô thị được triển khai mạnh, trước tiên là thủ đô Hà Nội. Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh đã có nhiều năm học tập ở Liên Xô (cũ), nay cùng với các chuyên gia Liên Xô tạo bước khởi đầu về nghiên cứu quy hoạch của đô thị quan trọng nhất của cả nước này. Sau Thủ đô, nhiều thành phố công nghiệp mới cũng đã được làm quy hoạch như các thành phố Thái Nguyên, Việt Trì, Vinh… với công sức đóng góp của các kiến trúc sư Đàm Trung Phường, Khổng Toán.
Ở cương vị lãnh đạo cơ quan chuyên môn quy hoạch đô thị, kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp dành tâm huyết cho công việc này không chỉ ở việc chuyên môn cụ thể mà ở cả tầm nhìn chiến lược đối với ngành khoa học mới mẻ này. Cũng như vậy, kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo cơ quan quy hoạch của Hà Nội cũng đã có nhiều đóng góp lớn lao trong việc triển khai công việc này trên địa bàn Thủ đô. Những bản phác thảo quy hoạch cho các đô thị nêu trên đã có vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo và quản lý các hoạt động xây dựng tại các đô thị trong giai đoạn đầu của công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta. Rất nhiều khu công nghiệp đã hình thành theo quy hoạch, kèm theo đó là hệ thống giao thông, cầu cống, các hệ thống kỹ thuật cung cấp điện, cấp nước và thoát nước cho các khu đô thị mới phát triển. Nhiều khu dân cư được chỉnh trang có môi trường sống tốt hơn cùng với việc phát triển hệ thống hạ tầng xã hội về văn hóa, giáo dục, thương nghiệp, y tế…
Năm 1960, kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, Thứ trưởng Bộ Kiến trúc và kiến trúc sư Nguyễn Nghi sang Trường đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) và Đồng Tế (Thượng Hải), hai cơ sở đào tạo kiến trúc sư ở Trung Quốc để khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu về chương trình đào tạo, kinh nghiệm giảng dạy để chuẩn bị mở trường tại Việt Nam.
Năm 1961, Bộ Kiến trúc được Chính phủ cho phép mở Lớp đào tạo Kiến trúc sư. Ban Lãnh đạo gồm kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện (Trưởng ban), kiến trúc sư Nguyễn Nghi (Phó ban, phụ trách giáo vụ). Một số kiến trúc sư, hoạ sĩ trực tiếp giảng dạy từ khoá đầu như Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Nghi, Nguyễn Văn Ninh, Đoàn Văn Minh, Nguyễn Ngọc Chân, Trần Hữu Tiềm, Tạ Mỹ Duật, Đoàn Ngọ, Khổng Toán, Vương Quốc Mỹ, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đức Nùng, Lương Xuân Nhị,…
Năm 1969, Chính phủ ra quyết định thành lập Trường đaị học Kiến trúc trên cơ sở Khoa Kiến trúc Đô thị tách ra từ Trường đại học Xây dựng. Phó tiến sĩ-kiến trúc sư Vương Quốc Mỹ được đề bạt làm Hiệu trưởng, kiến trúc sư Đoàn Văn Minh làm Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc. Năm 1972, kiến trúc sư Dương Hy Chấn được đề bạt làm Hiệu trưởng thay kiến trúc sư Vương Quốc Mỹ giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Kiến trúc, kiến trúc sư Khổng Toán làm Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc thay cho kiến trúc sư Đoàn Văn Minh nghỉ hưu.
Nhu cầu phát triển nhanh nhà ở cho cán bộ và nhân dân đòi hỏi việc xây dựng những khu ở tập trung tại các đô thị lớn Hà Nội, Hải Phòng, Vinh… Các kiến trúc sư ở Cục Đô thị – Nông thôn với sự giúp đỡ của nước bạn đã lập quy hoạch các khu ở theo cấu trúc quy hoạch tiểu khu, tạo cơ sở cho việc hình thành các khu ở mới như Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ ở Hà Nội, An Dương ở Hải Phòng, Quang Trung ở Vinh. … Các kiến trúc sư không chỉ xây dựng theo phương pháp cổ truyền mà còn nghiên cứu áp dụng những tiến bộ kỹ thuật xây dựng tiên tiến trên thế giới như tấm tường novoa, lắp ghép tấm lớn…Quy hoạch và kiến trúc các khu ở mới đã thể hiện mối quan tâm của xã hội tạo chỗ ở cho đông đảo người dân lao động. Trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc xây dựng phải hết sức tiết kiệm nhưng các kiến trúc sư đã hết sức cố gắng để kiến trúc có thể “đẹp trong điều kiện có thể” như phương châm cho việc thiết kế vào lúc đó. Hướng vào việc xây dựng kiểu công nghiệp hóa, nhà ở được thiết kế cho kỹ thuật nhà lắp ghép là loại kỹ thuật trước đây chưa từng làm, nhưng việc thiết kế đã vượt qua nhiều khó khăn, đã tạo dựng nhiều khu nhà ở tập thể đủ khang trang cho đông đảo người dân lao động ở các đô thị.
Miền Bắc vừa qua giai đoạn khôi phục kinh tế sau chiến tranh, bước sang kế hoạch xây dựng 5 năm là thứ nhất thì cũng là lúc đế quốc Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày 5-8-1964 và leo thang gây chiến tranh phá hoại miền Bắc. Phần lớn thành quả của giới kiến trúc sư thực hiện trong 10 năm hoà bình và trước đó đã bom đạn phá huỷ. Để đời sống đáp ứng với cuộc chiến tranh huỷ diệt, giới kiến trúc sư miền Bắc một lần nữa đi tìm loại hình kiến trúc mới để bảo vệ thành quả cách mạng, chống lại các loại bom đạn phá huỷ. Đó là loại “nhà hầm” để Bác Hồ, Bộ Chính trị ở và làm việc trong lúc máy bay bắn phá. Đó là các cơ sở làm việc của Đảng và Nhà nước sơ tán ở trong các rừng sâu thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc. Đó là hàng chục đài phát thanh, cơ quan thông tấn, các kho tàng xây dựng trong các hang động cao đến 5-7 tầng… kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Chân tuổi ngót 60 vẫn vượt qua những làn bom đạn đến những công trường, chủ trì thiết kế và theo dõi thi công những công trình tuyệt mật ấy.
Đánh dấu chiến công của quân và dân Nam Định bắn rơi nhiều “thần sấm”, “con ma” – những không lực Hoa Kỳ – kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện có một tác phẩm kiến trúc rất độc đáo. Đó là công trình Bảo tàng Cổ vật, mà tư duy sáng tạo dường như có phần “đi trước thời gian” nên đã không được chấp nhận ngay khi nó xuất hiện. Kiến trúc này được xem là thuộc “phong cách biểu hiện” mà thế giới đã làm nhiều nhưng ở nước ta mới có lần đầu. Tinh thần đổi mới phong cách kiến trúc của kiến trúc sư lão thành đã là tấm gương để nhiều kiến trúc sư trẻ học tập.
Sau khi Bác Hồ qua đời, Đảng và Chính phủ quyết định xây dựng Lăng để bảo quản thi hài cho con cháu muôn đời sau được chiêm ngưỡng Người. Việc thiết kế công trình Lăng Bác Hồ được các chuyên gia Liên Xô (cũ) giúp đỡ, có sự phối hợp của các kiến trúc sư thế hệ đầu tiên trong quá trình phác thảo tìm ý cũng như quá trình hoàn thiện, như các kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, Nguyễn Văn Ninh, Hoàng Như Tiếp, Vương Quốc Mỹ,…Nhiều kiến trúc sư trẻ đã phác thảo nhiều phương án và phối hợp với các kiến trúc sư lão thành hoàn chỉnh các phương án Lăng Bác.
Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Chân là người chủ trì về phía Việt Nam, ông đã thiết kế phương án Lăng theo gợi ý của Bộ Chính trị, kiên trì thuyết phục các chuyên gia Liên Xô thiết kế kỹ thuật theo hướng đó – đây cũng là phương án được xây dựng sau này..
Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng là đề tài cho đông đảo kiến trúc sư trẻ tham gia, nhiều phương án có nội dung phong phú đa dạng được dư luận quan tâm.
Từ giữa thập niên 60 của thế kỷ XX, lực lượng kiến trúc sư trẻ được đào tạo ở Trung Quốc, Liên Xô, các nước XHCN và trong nước bổ sung cho đội ngũ sáng tác ngày một đông. Một số công trình tiêu biểu như: Cung Thiếu nhi Hà Nội (1970) kiến trúc sư Lê Văn Lân thiết kế; Khu nhà ở Ngoại giao đoàn, đợt 1, (1970) nhóm kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, Nguyễn Kim, Nguyễn Văn Oanh; Khách sạn Công đoàn, Bãi Cháy, Quảng Ninh (1970) kiến trúc sư Trần Gia Khiêm; Khách sạn Hải Âu, Đồ Sơn, Hải Phòng (1970) kiên trúc sư Trần Gia Khiêm; Nhà khách Chính phủ (1973) kiến trúc sư Diêu Công Tuấn; Khách sạn Thái Bình (1980) kiến trúc sư Huỳnh Lẫm; Khách sạn Thái Nguyên (1980) kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện thiết kế; Nhà lưu niệm Bác Hồ tại bến cảng Nhà Rồng, kiến trúc sư Nguyễn Kim Tấn thiết kế cải tạo,…
Từ đầu thập niên 60, giới kiến trúc sư đã tham gia những cuộc thi kiến trúc quốc tế, như Đài Chiến thắng Playa Gyron ở Cuba, Công viên La Villette ở Paris, Cung Văn hóa Nghệ thuật Indira Ghandi tại Ấn Độ.
Năm 1979, lần đầu tiên các kiến trúc sư nước ta tham gia cuộc thi quốc tế đoạt giải cao, đó là cuộc thi “Kiến trúc nhà ở nông thôn – 79”, đoạt Giải Nhất các phương án “Nhà ở: Đơn vị cân bằng sinh thái” (KTS Nguyễn Luận, KTS Trần Quang Trung); “Làng nổi Đồng Tháp Mười” (KTS Bùi Quang Ngân); “Nhà ở vùng đất bồi ngập mặn Năm Căn, Cà Mau” (SV Nguyễn Văn Tất).
Năm 1980, UIA tổ chức cuộc thi quốc tế lần thứ 11 nhân dịp Đại hội lần thứ 14 tại Vasava, Ba Lan vào tháng 6-1981 về đề tài “Khôi phục một tổng thể nhỏ trong một môi trường đô thị bị thoái hoá”. Đồ án của nhóm sinh viên Trường đại học Kiến trúc Hà Nội gồm: Vũ Hoàng Hạc, Trần Đức Phú, Phạm Ngọc Kỳ thiết kế theo sự hướng dẫn của giảng viên kiến trúc sư Vũ Đại Hải đã đoạt Giải Xuất sắc.
Năm 1981, tại Italia, Ban Giám khảo Quốc tế đã trao giải thưởng cho nhóm kiến trúc sư Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, gồm Đặng Tố Tuấn (chủ trì), Phan Văn Quang, Nguyễn Đức Tuệ, Trần Đức Khuê về đề tài “Nhà ở ba thế hệ”.
Lần đầu tiên INTERARCH- 81, do UIA tổ chức, Hội đồng Giám khảo Quốc tế đã chọn 25 đồ án xuất sắc nhất của các nước để trao giải thưởng. Đồ án “Lớp học nổi trên đồng bằng sông Cửu Long” của kiến trúc sư Võ Thành Lân, Trường đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 4, Huy chương Đồng, Bằng Danh dự và giải thưởng riêng của Uỷ ban Văn hóa nước Cộng hoà Nhân dân Bulgaria.
Các cuộc thi trong nước cũng đạt hiệu quả cao như thiết kế nhà Quốc hội, Cung văn hoá Lao động Thủ đô, tham gia các đợt sáng tác kiến trúc Lăng Bác Hồ, Bảo tàng Hồ Chí Minh…
Năm 1983, Ban Tuyên huấn Trung ương đồng ý Hội Kiến trúc sư Việt Nam xuất bản Tạp chí Kiến trúc, kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh, Ủy viên Thường vụ Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam làm Tổng Biên tập; kiến trúc sư Cao Xuân Hưởng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Việt Nam làm Phó Tổng Biên tập. Xưởng Kiến trúc của Hội cũng được thành lập vào cuối năm này.
Trong khi đó, ở miền Nam nước ta đang tiếp tục sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc tiến tới thống nhất Tổ quốc. Tại các thành thị, bộ máy chính quyền thực dân mong muốn duy trì vai trò thống trị dựa vào nguồn lực từ bên ngoài cũng tạo được khung cảnh yên ổn làm ăn cho người dân. Trên đất Sài Gòn mọc lên nhiều công trình mới và dần có bộ mặt kiến trúc mới, trong đó có sự đóng góp tài năng của nhiều kiến trúc sư thuộc thế hệ đầu tiên. Trong đó, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là một trường hợp đặc biệt nổi trội.
Sau năm 1954, đất nước chia hai miền, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được phân công hoạt động bí mật ở Sài Gòn. Để hoạt động hợp thức, ông hợp tác làm việc tại văn phòng của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện, thiết kế nhiều công trình có giá trị. Trong cương vị Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, với bề bộn công việc lãnh đạo, ông vẫn dành nhiều thời gian cho kiến trúc, trực tiếp vẽ kiểu hoặc chỉ đạo xây dựng các công trình ở căn cứ cách mạng, trong đó có Hội trường để phục vụ đại hội Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam ở Lò Gò, phác thảo phương án quy hoạch thủ phủ tạm thời của Chính phủ Cách mạng ở Lộc Ninh (tỉnh Sông Bé ngày nay).
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, phần lớn kiến trúc sư tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương tuổi đã cao, song bằng kinh nghiệm và sự từng trải, các ông vẫn tiếp tục sự nghiệp cao cả của kiến trúc sư là làm đẹp đất nước. Các ông đã chủ trì hoặc tham gia thiết kế nhiều đồ án quy hoạch đô thị ở Thủ đô và các tỉnh thành trong cả nước. Nhiều công trình lớn như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà hát Hoà Bình, Sân bay Quốc tế Nội Bài, các trụ sở Tỉnh uỷ, Uỷ ban Nhân dân, khách sạn, trường đại học lớn… với sự phối hợp của các kiến trúc sư lão thành (chỉ đạo) và kiến trúc sư trẻ thiết kế hoặc chỉ đạo thực hiện đã đạt chất lượng cao. Do sớm được tiếp cận với những thành tựu của kiến trúc hiện đại thế giới, mặt khác có sự khai thác nhuần nhuyễn kiến trúc truyền thống và yếu tố khí hậu nên kiến trúc mang được sắc thái địa phương, thể hiện những đặc trưng phong cách kiến trúc hiện đại – dân tộc – nhiệt đới hóa, tao nên những tác phẩm rất phong phú, đa dạng đáp ứng với yêu cầu cách mạng và tạo được nhiều hình ảnh sinh động.
Sự đóng góp của các kiến trúc sư cho bộ mặt kiến trúc ở khắp nước ta là rất đáng kể. Những hoạt động nghề nghiệp nêu trên, tuy không phải là tất cả, nhưng có thể xem là tiêu biểu cho sự nghiệp chuyên môn đã đóng góp cho nền kiến trúc mới Việt Nam.

ĐẤT NƯỚC THỐNG NHẤT
Đại hội Kiến trúc sư Việt Nam lần thứ III (1983)

:
Đại hội Kiến trúc sư Việt Nam lần thứ III họp vào các ngày 25, 26 và 27-11-1983 tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, nhằm mục đích đoàn kết kiến trúc sư giữa hai miền sau khi nước nhà thống nhất, tập hợp lực lượng đoàn kết xây dựng đất nước thống nhất. Là thời điểm chuyển giao công tác giữa thế hệ kiến trúc sư đầu tiên ở Trường Mỹ thuật Đông Dương (đã ở tuổi 70-80) sang đội ngũ kế cận là thế hệ kiến trúc sư trưởng thành trong những năm đất nước bị chia cắt làm hai miền (tuổi đời 40-50). Dự Đại hội có 185 đại biểu chính thức và 150 hội viên kiến trúc sư, thay mặt cho gần 1000 hội viên và nguyện vọng của ngót 2000 kiến trúc sư khắp các tỉnh thành trong toàn quốc.
Đại hội đã cùng nhau xem lại những thành bại về mặt kiến trúc trong chặng đường 26 năm trên đường hành nghiệp, từ Đại hội lần thứ 2 đến nay. Đại hội cũng đã đi sâu vào nhận thức của kiến trúc sư trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Lực lượng sáng tác đã được trẻ hóa, tuy vậy nền kinh tế còn nặng về bao cấp, vật liệu xây dựng còn khó khăn, việc xây dựng công trình mới còn nhiều hạn chế đã ảnh hưởng tới sáng tác của kiến trúc sư.
Trong số 53 Uỷ viên Ban Chấp hành mới chỉ còn lại 4 người thuộc thế hệ trước, trong đó kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Đại hội đã bầu ra Ban Thư ký gồm 11 người, kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện được bầu làm Tổng Thư ký; 3 Phó Tổng Thư ký là các kiến trúc sư Cao Xuân Hưởng (Thường trực), Nguyễn Ngọc Khôi, Nguyễn Kim Sến. Đại hôi đã trân trọng mời 10 kiến trúc sư cao tuổi làm Ban Cố vấn, đã thông qua Điều lệ sửa đổi. Đại hội đã đổi tên Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam thành Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Các công trình xây dựng trong thời gian này không nhiều, do đất nước gặp nhiều khó khăn sau chiến tranh biên giới phía Bắc và các tỉnh giáp Cam pu chia.. Bảo tàng Hùng Vương, Phú Thọ, thiết kế xây dựng năm 1985 do kiến trúc sư tạ Mỹ Duật và kiến trúc sư Vương Văn Lai thiết kế; Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng, do kiến trúc sư Lê Đình Nhân thiết kế, …
Năm 1985, hưởng ứng cuộc thi kiến trúc Quốc tế “Nhà ở cho ngày mai” dành cho các kiến trúc sư trẻ (dưới 35 tuổi, tính đến ngày 01-01-1984) đồ án “Nhà ở Làng hoa Hà Nội” của nhóm kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Hà, Lê Thị Kim Dung, Nguyễn Thị Hiền, Hoàng Đình Tuấn đã đoạt 1 trong 10 giải Nhất cuộc thi.
Tại Biennale kiến trúc thế giới lần thứ ba INTERARCH – 85 đã khai mạc ngày 3-6-1985 tại Sofia vẫn với chủ đề “ Con ngừơi – Xã hội – Thiên nhiên”. Đồ án “Xa mà gần” của giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thế Bá (chủ trì), các kiến trúc sư Hàn Tất Ngạn, Phạm Ngọc Thạch, Hoàng Quốc Cường và hoạ sĩ Vũ Hoa, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội đã đoạt Huy chương Đồng.
Năm 1986, Hội Kiến trúc sư Liên Xô (cũ) phối hợp với Hội Kiến trúc sư nước Cộng hoà Xô viết Beloruxia và Xô viết thành phố Minxcơ tổ chức cuộc thi quốc tế của kiến trúc sư các nước XHCN với chủ đề Môi trường ở trong một thành phố lớn “Minxcơ- 86”. Đồ án của Việt Nam do kiến trúc sư Vũ Kim Long (Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước) chủ trì đã được chọn để thi tiếp vòng 2..
Tháng 6-1987, nhóm Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ gồm Vũ Văn Tân, Nguyễn Bắc Vũ, Lê thị Kim Dung, Vũ Anh Tuấn đã giành Giải Nhất cho đồ án “Không gian Alibaba”,
INTERARCH- 87 tổ chức ở Bulgaria với đề tài “Huma – 2000” đồ án “Tồn tại hay không tồn tại” của nhóm Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ gồm Vũ Văn Tân, Nguyễn Bắc Vũ, Lê Thị Kim Dung, Vũ Anh Tuấn (Hà Nội) đoạt cùng lúc 2 giải: Giải thưởng Lớn (Grand Prix – trong tổng số 5 giải) của Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Bulgaria, Giải thưởng Đặc biệt (Special Prize – trong tổng số 30 giải) của Chủ tịch Uỷ ban Quy hoạch vùng lãnh thổ và đô thị Bulgaria và 2 Huy chương Vàng (trong tổng số 7 Huy chương Vàng của cuộc thi), Bằng Danh dự – Một sự kiện chưa từng có trong các kỳ INTERARCH.

KHỞI ĐẦU THỜI KỲ ĐỔI MỚI
Đại hội Kiến trúc sư Việt Nam lần thứ IV (1989)
:
Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội VI và Nghị quyết Trung ương lần thứ VI của Đảng, trong tình hình đổi mới về mọi mặt. Đại hội Kiến trúc sư Việt Nam lần thứ IV diễn ra trong 2 ngày 17 và 18-4-1989 tại 37 Hùng Vương, Hà Nội với tinh thần Đại hội đổi mới, đoàn kết, dân chủ và công khai.
Dự Đại hội có 256 đại biểu chính thức của 45 hội, chi hội ở Trung ương và các địa phương đạị diện cho 1419 hội viên và gần 3000 kiến trúc sư trong cả nước. Khi đất nước đi vào chuyển đổi cơ chế với những thay đổi, những xáo trộn, hoạt động kiến trúc bung ra. Vì thế Đại hội đã hướng vào mục tiêu tạo dựng môi trường pháp lý và môi trường xã hội cẩn thiết cho hoạt động kiến trúc và hành nghề sáng tạo của kiến trúc sư. Đại hội đã kiến nghị với Đảng và Nhà nước một số chủ trương có tính biện pháp như:
– Nhà nước ban hành Điều lệ Kiến trúc sư và thực hiện đăng ký hành nghề cho kiến trúc sư.
– Thực hiện chế độ Kiến trúc sư trưởng, chịu trách nhiệm quản lý thống nhất về kiến trúc – quy hoạch trên lãnh thổ (thành phố, thị xã, tỉnh).
– Lập Hội đồng kiến trúc các cấp (quốc gia và địa phương).
– Chuẩn bị điều kiện và sớm thành lập Viện Kiến trúc Quốc gia.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khóa IV gồm 51 kiến trúc sư. Đại hội đã bầu kiến trúc sư huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch danh dự của Hội kiến trúc sư Việt Nam. Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện được tái cử làm Tổng Thư ký. Ban Chấp hành bầu hai kiến trúc sư Cao Xuân Hưởng và Nguyễn Kim Sến làm Phó Tổng Thư ký và 10 ủy viên khác thuộc Ban Thư ký.
Sau Đại hội, một số đề xuất đã trở nên hiện thực:
– Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Ban hành quy chế về tổ chức làm việc của Hội đồng Kiến trúc Quốc gia, số 183/TTg, ngày 21-4-1993.
– Hội Kiến trúc sư Việt Nam ban hành Điều lệ “Giải thưởng Kiến trúc” và “Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giải thưởng Kiến trúc”, số 82/KT-QĐ ngày 20-7-1993. Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa Thông tin tổ chức giải thưởng 2 năm một lần. Lần đầu tiên vào năm 1994, với 127 tác phẩm dự thi của 170 tác giả. Hội đồng Giám khảo đã xét chọn được 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 5 giải Ba và 11 giải Khuyến khích. (Đến nay tiến hành đều đặn được 10 kỳ).
– Nghị quyết liên tịch của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Tổng thư ký Hội Kiến trúc sư Việt Nam về vai trò kiến trúc sư trong công tác kiến trúc, quản lý đô thị và xây dựng. Số 1701BXD/LT ngày 22-12-1993.
”SOS Làng trẻ em Hà Nội” là công trình đầu tiên đã xây dựng ở nước ta đoạt giải thưởng kiến trúc quốc tế. Là một công trình được tác giả là kiến trúc sư Vũ Hoàng Hạc khai thác không gian sống một cách nhuần nhuyễn, sử dụng vật liệu xây dựng truyền thống đúng nơi đúng chỗ, thể hiện được tính hiện đại và tính dân tộc. Công trình đã được hai kiến trúc sư Lê Thị Kim Dung, Ngô Doãn Đức dẫn lụân, chụp ảnh và trình bày đã đoạt Giải thưởng Đặc biệt của Bộ trưởng Bộ Xây dựng – Kiến trúc và Công chính Bulgaria. Đoạt 1 trong số 5 Huy chương Vàng của INTERARCH-91. Ông Henmut Kutin, Chủ tịch Tổ chức nhân đạo SOS Quốc tế đã nhận xét từ cuối thập niên 80: “Đây là một trong những làng có chất lượng thiết kế tốt nhất trong số trên 1000 làng trẻ em SOS ở 112 quốc gia”.
Đồ án “Nhà Văn hoá – Khoa học – Kỹ thuật Hà Nội”, nhóm Câu lạc bộ Kiến trúc sư trẻ: Vũ Văn Tân (1951 – 1988), Nguyễn Bắc Vũ, Lê Thị Kim Dung, Vũ Anh Tuấn thiết kế từ năm 1987. Tưởng nhớ Vũ Văn Tân, một kiến trúc sư trẻ đầy tài năng đã đột ngột qua đời vào ngày 24-2-1988, do bị nhồi máu cơ tim, nhóm tác giả cùng với hai kiến trúc sư trẻ Cao Xuân Hoàng, Nguyễn Quang Dũng thể hiện đồ án để dự thi INTERARCH-91, nhằm một lần nữa khẳng định tài năng của Vũ Văn Tân. Đồ án được tặng Giải thưởng Đặc biệt của ông Bộ trưởng Bộ Quan hệ Quốc vùng Pháp ở Bỉ: Đoạt 1 trong số 14 Huy chương Bạc của cuộc thi.

THỜI KỲ ĐỔI MỚI PHÁT TRIỂN
Đại hội Kiến trúc sư Việt Nam lần thứ V (1994):

Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tiến hành Đại hội lần thứ V trong 2 ngày 29 và 30-11-1994 tại Cung văn hóa lao động Hữu nghị Việt – Xô, Hà Nội. Dự Đại hội có 310 đại biểu thay mặt cho1661 hội viên thuộc 59 cơ sở Hội. Ngoài ra còn có 300 hội viên dự thính. Các kiến trúc sư dự Đại hội đã thay mặt cho 5500 kiến trúc sư đang hành nghề trong khắp đất nước. Đại hội đã đón 300 khách mời. Với khẩu hiệu ”Phấn đấu xây dựng đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài vì nền kiến trúc chân thực đậm đà bản sắc”. Đại hội đã bầu 71 ủy viên Ban Chấp hành. Ban Chấp hành đã bầu kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện làm Chủ tịch Hội và 3 Phó Chủ tịch Hội là các kiến trúc sư nguyễn Thúc Hoàng, Cao Xuân Hưởng, Nguyễn kim Sến và 11 ủy viên Đoàn Chủ tịch.
Đứng trước tình hình đổi mới và cơ hội mới, Đại hội đã thông qua Nghị quyết, nêu lên những nội dung cần phấn đấu thực hiện trong nhiệm kỳ 1995-2000 như:
1- Tập trúng sức xây dựng đội ngũ kiến trúc sư phát triển toàn diện về đạo đức trí thức và năng lục sáng tạo. Để có chất lượng kiên trúc cao trước hết phải có nhiều kiến trúc sư giỏi.
2- Đẩy mạnh công tác lý luận và phê bình kiến trúc nhằm định hướng cho phát triển kiến trúc; nghiên cứu dự báo phát triển và chương trình thể nghiệm thực tế để từng bước cụ thể hóa phương châm “Dân tộc và hiện đại”; khuyến khích sự tìm tòi sáng tạo của kiến trúc sư khai thác tinh hoa của kiến trúc truyền thống hòa nhập với kiến trúc hiện đại.
3-Tổ chức lại lực lượng sáng tác kiến trúc và công tác thiết kế nhằm phát huy tối đa năng lực và trách nhiệm của kiến trúc sư.
4-Tiếp tục phát triển và củng cố Hội Kiến trúc sư rộng khắp trên các vùng lãnh thổ, các cơ sở kinh tế xã hội, nhằm tập hợp, đoàn kết và hỗ trợ cho kiến trúc sư cả nước được làm việc theo nghề nghiệp mình,…
Trước Đại hội, ngày 28-11-1994, đã triển lãm các đồ án được “Giải thưởng Kiến trúc 1994”. Với 127 tác phẩm dự thi của 170 tác giả từ 28 tổ chúc thiết kế ở Trung ương và các địa phương. Hội đồng Giám khảo đã chọn được 2 giải Nhất: – Viện Xã hội học Cam pu chia (các kiến trúc sư Trần Đức Nhuận, Nguyễn Văn Tiến, Đặng Kim khôi, Nguyễn Thúc Hoàng, Nguyễn Tấn Vạn và các kỹ sư Nguyễn tiến Vinh, Trương Đình Kiểm, Võ Ngụ);
– Khu nhà ở Ngoại giao đoàn (các kiến trúc sư Nguyễn Khôi Nguyên, Trần Bình Trọng).
“Giải thưởng Kiến trúc 1996” có 134 tác phẩm của 47 tổ chức thiết kế. Hội đồng Giám khảo đã chọn 1 giải Nhất là Đài Tưởng niệm tỉnh Tuyên Quang (kiến trúc sư Lê Hiệp); 7 giải Nhì, 16 giải Ba, 16 giải Khuyến khích.
“Giải thưởng Kiến trúc 1998” có 224 tác phẩm. Không có giải Nhất, 4 giải Nhì, 18 giải Ba, 32 giải Khuyến khích.
Cuộc thi Kiến trúc Quốc tế INTERARCH lần thứ 7 bắt đầu tổ chức ba năm một lần (Triennale). Tham gia INTERARCH- 94 có 150 đồ án thiết kế và công trình của 468 kiến trúc sư, sinh viên kiến trúc từ 26 nước trên thế giới. Hội đồng Giám khảo Quốc tế đã trao 3 Giải thưởng Lớn (Grand Prix) và 16 Giải thưởng Đặc biệt (Special Prize). Việt Nam tham gia 4 đồ án, trong đó có 1 Giải thưởng Đặc biệt của thành phố Riga (Latvi)- Bằng Danh dự và Huy chương trao chung cho 3 đồ án: “Hồ Gươm” tác giả Lê Thị Kim Dung; “Tiếng gọi nơi hoang dã” tác giả Hoàng Minh; “Hãy trả lại cho Đất những gì của Đất” tác giả Hoàng Thúc Hào và cộng sự.

ĐẠI HỘI KIẾN TRÚC SƯ VIỆT NAM LẦN THỨ VI (2000):
Trong 2 ngày 16 và 17-6-2000 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tiến hành Đại hội lần thứ VI. Đại hội đã mở đầu một trang mới trong lịch sử của Hội với chức trách và vị thế mà Đảng đã tin tưởng và khẳng định trong Nghị quyết Trung ương V là tổ chức Chính trị – xã hội – nghề nghiệp. Đại hội hướng tới mục tiêu vì một đội ngũ kiến trúc sư vững vang trong tay nghề cho một nền kiến trúc Việt Nam chân thực.
Về dự Đại hội có 541 đại biểu chính thức thuộc 73 hội cơ sở, hơn 330 đại biểu dự thính và khách mời đại diện cho 2212 hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam trong tổng số hơn 8000 kiến trúc sư cả nước. Đại hội đã bầu 85 Ủy viên Ban Chấp hành. Ban Chấp hành đã bầu 15 ủy viên Đoàn Chủ tịch và bầu kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện làm Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; 4 Phó Chủ tịch là các kiến trúc sư: Phạm Sĩ Chức, Nguyễn Thúc Hoàng, Hoàng Đạo Kính, Nguyễn Thị Ánh Tuyết.
Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, năm 1996, đã trao cho các cố kiến trúc sư: Nguyễn Cao Luyện, Huỳnh Tấn Phát, Hoàng Như Tiếp.
Từ năm 1999 cùng với Hội Xây dựng Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã tổ chức “Giải thưởng Loa Thành”.
Từ cuối năm 1998 Hội đã tổ chức Liên hoan sinh viên Kiến trúc Toàn quốc lần thứ nhất, duy trì 2 năm một lần.
Thiết lập các bước mới trong quan hệ quốc tế: Từ năm 1998, sau hai năm là quan sát viên, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Hội đồng Kiến trúc châu Á – ARCASIA.
Khôi phục mối quan hệ truyền thống với các đồng nghiệp ở CHLB Nga và Trung Quốc: Năm 1997 đón đoàn đại biểu kiến trúc sư Trung Quốc sang Việt Nam và cử đoàn kiên trúc sư Việt Nam thăm Trunh Quốc (1998).Đón Chủ tịch Hội Kiến trúc sư CHLB sang thăm Việt Nam (tháng 7-1999).
Hội Kiến trúc sư Việt Nam lần đầu tiên có đoàn đại biểu nhiều thành viên (12 kiến trúc sư) tham gia Đại hội UIA tại Bắc Kinh (tháng 6-1999)
“Giải thưởng Kiến trúc 2000” có 1 giải Nhất: Khu du lịch Mũi Né (kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất và các kiến trúc sư cộng sự: Lê Thanh Việt, Lương Tố Hà, Hoàng Văn Việt, Nguyễn Tiến Dũng, Trần Anh Vũ, Lê Thanh Hải, Nguyễn Hòai An); 4 giải Nhì; 12 giải Ba; 15 giải Khuyến khích.
“Giải thưởng Kiến trúc 2002” có 174 tác phẩm. Hội đồng đã lựa chọn và bỏ phiếu cho 1 giải Nhất: nhà ga T1, sân bay Quốc tế Nội Bài (tác giả: 2 kiến trúc sư Lương Anh Dũng và Thân Hồng Lĩnh); 7 giải Nhì, 10 giải Ba và 30 Tặng thưởng chuyên đề.
“Giải thưởng Kiến trúc 2004”: Có 197 tác phẩm của 223 tác giả tham dự. Hội đồng đã quyết định không có giải Nhất; 4 giải nhì,14 giải Ba và 21 giải theo thể loại công trình.
Các kiến trúc sư trẻ nước ta tiếp tục đoạt các giải thưởng thi kiến trúc Quốc tế:
– Cuộc thi INTERARCH-97 Đồ án “Bảo tàng Yên Tử” của kiến trúc sư Hoàng Minh, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội đoạt Giải thưởng Đặc biệt của Bộ trưởng phụ trách vùng Wallonne, nước Bỉ; Huy chương Bạc, Bằng Danh dự và 3 cuốn sách nghệ thuật.
– Cuộc thi quốc tế tìm ý thiết kế Kiến trúc và xoá bỏ nghèo nàn do UIA tổ chức để phối hợp với sáng kiến của Liên Hợp Quốc tổ chức Thập kỷ thế giới xoá bỏ nghèo nàn (từ năm 1997 đến năm 2006), từ ngày 24 đến 27- 4-1998. Đồ án “Cái gì của César hãy trả lại cho César” của sinh viên Phạm Trung Hiếu và Nguyễn Xuân Anh, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội được 1 trong số 4 Bằng khen (Mentions) của khu vực IV.
Giải thưởng Nhà nước đợt 1, năm 2001 cho tác phẩm của các kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, Nguyễn Ngọc Chân, Đoàn Văn Minh, Ngô Huy Quỳnh, Nguyễn Hữu Thiện, Nguyễn Quang Nhạc, Đàm Trung Phường.

ĐẠI HỘI KIẾN TRÚC SƯ VIỆT NAN LẦN THỨ VII (2005)
Đại hội đã diễn ra trong 2 ngày, từ 11 đến 13-8-2005, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Tham dư Đại hội có 530 đại biểu chính thức, 463 đại biểu dự thính đến từ 72 cơ sở Hội, trong tổng số hơn 10.000 kiến trúc sư trong cả nước. Về dự cùng Đại hội còn có 265 khách mời.
Đại hội là đợt sinh hoạt Chính trị – Nghề nghiệp để đánh giá tình hình hoạt động của hội nhiệm kỳ qua và 20 năm trong bối cảnh đổi mới của đất nước gắn với thực tiễn kiến trúc và hành nghề kiến trúc sư với phương châm Đại hội là Đoàn kết – Sáng tạo – Trách nhiệm.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ VII gồm 84 ủy viên. Ban Chấp hành đã đã bầu Ban Thường vụ gồm có 11 kiến trúc sư. Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Van được bầu làm Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam. 4 Phó Chủ tịch Hội là các kiến trúc sư: Hoàng Đạo Kính, Nguyễn Thúc Hoàng, Phạm Sỹ Chức, Khương Văn Mười. Đại hội đã xúc động chia tay kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, người ở cương vị lãnh đạo Hội suốt 4 nhiệm kỳ công tác liên tục.
“Giải thưởng Kiến trúc 2006”: Giải Nhất công trình Trung tâm Hội nghị Quốc gia (2 kiến trúc sư Meinhard von Gerkan và Nikolaus Goetze, CHLB Đức). 7 giải Nhì, 21 giải Ba.
“Giải thưởng Kiến trúc 2008”: Tham gia 114 tác phẩm. Không có giải Nhất, 10 giải Nhì, 16 giải ba, 8 giải của Hội đồng.
“Giải thưởng Kiến trúc 2010”: Có 136 tác phẩm tham dự. Hội đồng Giám khảo xét chọn 2 giải Nhất:
– Trường PTTH Hà Nội – Amsterdam (kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Anh. Phan Duy Đông, Vũ Sỹ Lợi, Nguyễn Huy Hải, Nguyễn Chí Công).
– Nhà ga Hàng không Liên Khương (các kiến trúc sư Lưu Hướng Dương. Trần Trung vương, Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phan Đình Kha).
Các giải thưởng kiến trúc Quốc tế:
– Công trình “Cafe Gió và Nước” ở Bình Dương, tác giả kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa và các cộng sự Nguyễn Hoà Hiệp, Sakata Minoru, Ohara Hisanori (Nhật Bản), đoạt giải Nhì cuộc thi kiến trúc Quốc tế bằng vật liệu tre, do Bamboo Technologies (Mỹ) tổ chức.
– Tác phẩm “Café Gió và Nước” được Ban Giám khảo ARCASIA chấm công bố vào ngày 18-9-2007 đoạt Huy chương Vàng,

ĐẠI HỘI KIẾN TRÚC SƯ VIỆT NAM LẦN THỨ VIII (2010)
Đại hội Kiến trúc sư Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2010-2015 với 526 đại biểu chính thức đã được tiến hành trọng thể tại thủ đô Hà Nội từ ngày 22-24/4/2010.
Trong quá trình chuẩn bị, Đại hội đã nhận được sự quan tâm thăm hỏi, chỉ đạo sâu sát của Nguyên Tổng Bí thứ Đỗ Mười, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Với phương châm “Đoàn kết – Sáng tạo – Hợp tác để phát triển” và tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, thẳng thắn, Đại hội đã kết thúc tốt đẹp và thống nhất thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó nổi bật là:
– Thống nhất thông qua báo cáo Tình hình phát triển kiến trúc và sáng tác kiến trúc nhiệm kỳ VII (2005-2010) với các mặt mạnh và những hạn chế cần khắc phục, trong đó nhìn nhận về sự tụt hậu trông thấy của nền kiến trúc nước nhà so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Giới kiến trúc sư cần nghiêm khắc tự kiểm điểm, nhìn rõ vai trò và trách nhiệm của mình, đồng thời nêu lên 4 kiến nghị với Đảng và Nhà nước, nhằm tháo gỡ thực trạng trên.
– Thông qua phương hướng và chương trình hành động nhiệm kỳ VIII (2010-2015) với 5 nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện qua 5 chương trình hành động, trong đó lấy việc chủ động và tích cực tham gia cải thiện môi trường hành nghề với mục tiêu xây dựng Luật về hành nghề kiến trúc và nhiệm vụ ưu tiên của nhiệm kỳ.
– Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ VIII (2010-2015) gồm 95 ủy viên, bầu ra lãnh đạo Hội, Ban thường vụ gồm 18 ủy viên và các Ban công tác của Hội.
– Đại hội kêu gọi tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội cao nhất ở mỗi kiến trúc sư để góp phần xây dựng nền kiến trúc nước nhà lành mạnh, tiên tiến và giàu bản sắc.
Các đại biểu tham gia Đại hội đã thống nhất đánh giá: Nhiệm kỳ 2005 – 2010 là nhiệm kỳ với những hoạt động sôi nổi của Hội trên nhiều mặt, đã làm được nhiều việc, sự có mặt của Hội được khẳng định rõ ràng trong đời sống kiến trúc cũng như cuộc sống của cộng động, kiến trúc sư từng bước có chỗ đứng trong xã hội. Các cấp Hội và đông đảo hội viên nhận thức được sứ mạng và trách nhiệm của tổ chức mình, đã có nhiều cố gắng trong làm nghề cũng như trong các hoạt động xây dựng Hội. Trước Đảng và nhân dân, Hội Kiến trúc sư Việt Nam là một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp đáng tin cậy./.