Bãi đỗ xe trong công viên cho "người giàu"
13/09/2012 17:16:10
"Anh xây bãi đỗ xe trong nội đô chính là anh thu hút ô tô vào đó, trong khi ta cần phải hạn chế nó trong trung tâm để giảm chất tải, tránh tắc đường, ô nhiễm môi trường!" – KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nêu quan điểm.

Không thể xây dựng bãi đỗ xe công cộng trong công viên!

Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội vừa có ý kiến ủng hộ dự án đầu tư xây dựng 2 bãi giữ xe công cộng nằm trong Công viên Thống Nhất. Ông thấy sao về quyết định này?

Trong thành phố, công viên là công viên, giao thông tĩnh là giao thông tĩnh, tất cả đều có không gian riêng cần thiết. Không thể xây dựng bãi đỗ xe công cộng trong công viên được!

Nhưng người ta lại đang muốn "nhăm nhe" xây bãi đỗ xe trong công viên đấy, thưa ông?

Xây bãi đỗ xe công cộng là không thể, chỉ có thể xây ở một mức độ nhất định thôi.

"Mức độ nhất định" ấy là gì, thưa ông?

Việc xây dựng bãi đỗ xe phục vụ cho công viên là cần thiết và sẽ được người dân đồng tình với điều kiện đó là chỗ đỗ xe cho người dân đến nghỉ ngơi, thư giãn và giải trí. Nhưng cần tính toán cẩn thận về nhu cầu và sức chứa. Thêm nữa, nếu có xây thì nên làm ngầm, tuyệt đối không chiếm không gian xanh, có thể đi từ ngoài công viên xuống hầm và cũng chỉ có một diện tích nhất định thôi chứ không phải muốn xây bao nhiêu cũng được, càng không thể là bãi đỗ xe công cộng cho khu vực dùng để kinh doanh.
KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Nhu cầu trước mắt lấy đi sự bền vững

Nếu dự án xây dựng bãi đỗ xe trong Công viên Thống Nhất được thông qua, tổng diện tích bãi đỗ xe ở đó lên tới gần 9.000m2. Có vẻ nó sẽ "phá vỡ" nguyên tắc mà ông vừa đưa ra?

Cây xanh, không gian xanh công cộng phải được ưu tiên trước hết và ở mức cao nhất chứ không thể chiếm dụng vì bất cứ mục tiêu gì. Nếu không, sẽ tạo ra những bất lợi mới và thành phố tự làm khó cho mình trong tương lai.

Cụ thể, sự "làm khó mình" ấy là gì?

Đối với các thành phố lịch sử có mật độ xây dựng cao, xu hướng cải tạo và phát triển chung trên thế giới là hạn chế chất tải thêm trong khu vực trung tâm, trong đó có việc từng bước hạn chế ô tô cá nhân vào trung tâm bằng việc xây dựng mới các bãi đỗ xe ở vùng ven.

Nếu xây dựng nhiều bãi đỗ xe quy mô lớn trong trung tâm thì Hà Nội đang đi ngược xu thế chung ấy. Bên cạnh đó, việc xây dựng bãi đỗ xe như thế sẽ buộc phải lấn chiếm không gian trống, làm giảm đi không gian xanh, trong khi không gian công cộng, không gian xanh ở Hà Nội còn rất thiếu so với tiêu chuẩn. Đó là chưa kể, mật độ xe cộ trong khu vực trung tâm càng cao sẽ càng làm giảm chất lượng môi trường sống, ảnh hưởng đến những giá trị di sản văn hóa đô thị.

Chẳng lẽ những người quản lý lại không biết?

Tôi nghĩ ai cũng biết chứ!

Thế sao vẫn có dự án?

Tôi nghĩ, có thể là vì cái lợi trước mắt. Nhưng làm hôm nay đừng để nhu cầu trước mắt lấy đi tương lai phát triển bền vững!

Không thể mãi ưu tiên cho ô tô

Ông đánh giá thế nào về giao thông tĩnh ở Hà Nội hiện nay?

Rất, rất thiếu, trong đó có các bãi đỗ xe.

Thiếu như thế thì việc xây thêm là cần thiết chứ? Nếu không xây trong nội đô thì người ta biết để xe ở đâu?

Đồng ý là phải xây thêm. Nhưng xây ở đâu, trong khi Hà Nội đang rất thiếu đất trống? Có thể tổ chức hệ thống các bãi đỗ xe ở vị trí đường biên giữa các khu vực đặc trưng và đặc biệt tại khu vực vành đai. Nghĩa là cần có quy hoạch giao thông tĩnh dài hạn. Còn trước mắt đối với từng khu vực trong nội thành, trong đó có khu vực Công viên Thống Nhất, cần nghiên cứu kỹ để tổ chức một số điểm đỗ xe ngầm, nếu xây bãi đỗ xe nổi thì tuyệt đối chỉ nên làm tạm thời thôi.

Điều quan trọng là phải làm song song các giải pháp ngắn hạn và dài hạn, trong đó chú trọng đầu tư bãi đỗ xe công cộng ở khu vực vành đai. Ta phải xây các bãi đỗ xe ở ngoại biên, người dân phải dừng xe ở đó và chuyển sang xe đạp tự do, xe buýt mini, xe điện… vào nội thành. Tóm lại, không nên có chính sách ưu tiên mãi cho xe ô tô cá nhân vào nội thành. Nếu không vấn đề sẽ không bao giờ có lời giải.

Nghĩa là, hiện nay, các nhà quản lý đang ưu tiên cho người giàu?

Có thể hiểu như vậy, vì anh xây bãi đỗ xe trong nội đô chính là anh thu hút ô tô vào đó, trong khi ta cần phải hạn chế nó trong trung tâm để giảm chất tải, tránh tắc đường, ô nhiễm môi trường! Đáng ra, ta phải ưu tiên cho xe đạp, đi bộ. Thế giới người ta cũng đều làm thế cả.

Phải chăng, vì thiếu đất trống nên họ mới phải lấy đất công viên làm bãi đỗ xe, âu cũng là "bước đường cùng", thưa ông?

Đúng là ta đang thiếu đất trống, nhưng không thể chấp thuận việc xây dựng bãi đỗ xe trong công viên.

Nhưng họ vẫn muốn làm đấy thôi?

Thế là họ đi ngược lại xu thế, làm khó cho tương lai đấy!

Làm đi rồi hãy nói

Giả dụ, người ta gửi xe ở vành đai rồi thì họ sẽ đi vào nội thành bằng cách nào, trong khi chúng ta chưa có xe đạp tự do, xe buýt mini, thưa ông?

Chưa có vì ta chưa làm. Hãy bắt đầu làm đi, từng bước, triệt để và đồng bộ, có sự tham gia của cộng đồng thì chắc chắn sẽ làm được!

Dư luận, trong đó có các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến phản biện, không đồng tình với việc xây dựng bãi đỗ xe trong công viên. Theo ông, liệu điều đó có khiến cho dự án này bị đình chỉ?

Như tôi nói lúc đầu, việc xây dựng bãi đỗ xe trong công viên là cần thiết nhưng phải tính toán ở một tỷ lệ nhất định, để phục vụ người đến nghỉ ngơi, vui chơi, không nhất thiết phải hủy dự án.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

"Hiện nay, không gian xanh của Hà Nội chỉ khoảng dưới 3m2/người, trong khi thế giới là 16m2/người. Không gian xanh ít như thế thì không nên lấy đất công viên làm bãi đỗ xe công cộng. Hãy để tương lai cũng có quyền như hiện tại chứ đừng vì cái lợi trước mắt mà làm ảnh hưởng đến con cháu mai này".
KTS Nguyễn Quốc Thông

Vũ Thủy
(Thực hiện)