KỶ NIỆM 65 NĂM CÂY ĐA TÂN TRÀO MANG HỒN TỔ QUỐC
(16/8/1945 – 16/8/2010):

CÂY ĐA TÂN TRÀO KHÔNG THỂ LÀ CÂY ĐA RỞM – GÂY LÃNG PHÍ, PHẢN CẢM

KTS ĐOÀN ĐỨC THÀNH

Ở làng Tân Lập huyện Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang có hai cây đa đại thụ, mọc cách nhau hơn 10 mét. Từ ngày xưa nhân dân quen gọi là cây đa Ông và cây đa Bà. Cây đa Tân Trào trở thành thiêng liêng, mang hồn Tổ quốc, cả nước biết đến từ chiều 16/8/1945, là vật chứng chứng kiến Quân Giải phóng Việt Nam công khai xuất quân lên đường đánh thực dân Pháp trước sự có mặt của Quốc dân Đại hội. Đến hôm nay vừa tròn 65 năm.
Cây đa Tân Trào là loại đa lông, tên khoa học là Ficus pilusa Rein, cây cao trung bình 20 – 30 mét, tán lá rộng 20 – 30m.Thời gian phát triển đầy đủ là 50 – 60 năm. Cây có tuổi thọ cao, ở các làng quê nước ta cây đa – giếng nước đã là hình ảnh quen thuộc trong đời sống. Ở nước ta, những cây đa có tuổi thọ 500 – 600 năm cũng không hiếm. Tôi đã thấy ở Dương Sóc, Quế Lâm (Trung Quốc) có cây đa 1000 năm tuổi. Cây đa ở Tân Trào có tuổi trên dưới 300 năm, là hai cây đa to cùng loại (ở nước ta có các loại đa lông, đa búp đỏ, đa tía, đa mít, đa nước, đa đề). Trước thập niên 80 của thế kỷ trước hai cây đa còn song song sánh đôi thẳng đứng, cành vươn rộng, lá um tùm xum xuê gắn vào nhau. Từ trên cao, nhiều cành lớn vươn dài, nảy ra những nhánh phân bố tự do, trên phủ bằng lớp lá dày tỏa bóng mát quanh năm, trang nghiêm, bề thế. Bộ rễ ngang lan rộng, nhiều đoạn gồ lên khỏi mặt đất, tạo nên không gian mềm mại, nên thơ. * Cây đa Tân Trào tháng 4/2003, cây đa Ông (bên phải) bắt đầu chết. Ảnh: Đoàn Đức Thành.

Từ giữa thập niên 90, khi xây dựng hồ chứa nước Nà Lừa, dưới gốc đa đã từng là bãi đỗ xe ô tô, máy ủi, máy xúc. Sau này, đến khi làm đường nhựa, nơi đây từng là nơi tập kết những thùng phi nhựa đường, là chỗ bổ củi, đục đẽo vật liệu xây dựng, v v…Những tác động ấu trĩ của con người, ít nhiều đã gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Theo các nhà khoa học nghiên cứu thì đất chung quanh và hai cây đa đều bị nhiễm độc nặng. Tác động của thiên nhiên cũng không ít, nắng nóng, mưa lũ, gió bão, lại thêm sét đánh đã gây ảnh hưởng đến hai cây đa Tân Trào. Giữa thập niên 90 cây đa Ông bỗng rụng lá, cành khô héo chết dần, bão làm gãy đổ phần lớn cây. Năm 2000, đến lượt cây đa Bà bắt đầu rụng lá, héo cành. Trong hai năm 2008-2009, các nhà khoa học đã vào cuộc, nhưng rồi cây cứ tàn lụi dần, đành chịu bó tay. Cả cây đa to lớn thế chỉ còn một cành sống, nhánh lá lèo tèo. Hai cây ở cạnh nhau cùng chết trong một thời điểm hơn chục năm, có lẽ cũng không cần truy cứu nguyên nhân do con người hay thiên nhiên tác động làm cho hai cây đa chết. Nói lên những sự việc trên đây để rút kinh nghiệm bảo vệ những cây quý đang có ở khắp nơi trên đất nước ta.* Cây đa Tân Trào tháng 4/2010. Cây đa Ông đã chặt hết gốc, cây đa Bà chỉ còn sống một cành nhỏ với mấy chùm lá khẳng khiu. Ảnh Đoàn Đức Thành.

Ông cha ta có câu “Tre già măng mọc”, hai cây đa đã cỗi già chết đi cũng là theo quy luật tự nhiên. Ngày nay ai đến nhà tù Sơn La đều trông thấy cây đào tượng trưng cho tinh thần đấu tranh cách mạng của đồng chí Tô Hiệu kiên cường (ông hy sinh ngày 7/3/1944). Ai cũng hiểu rằng đây là cây đào non, tuổi chưa đến 65 năm như ngày cây đào mang tên Tô Hiệu. Song ai cũng xúc động, chấp nhận đấy là cây đào Tô Hiệu, bởi vị trí cây mọc, bởi cây mới này mọc từ những mầm gốc cây ngày xưa. Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, cạnh cổng đền Ngọc Sơn (Hà Nội) có cây gạo đại thụ to cao, làm tôn thêm cảnh quan quan đền và hồ Hoàn Kiếm. Khi cây già cỗi chết đi đã trồng vào vị trí cũ một cây gạo nhỏ và nay đang lớn dần. Mấy chục năm sau cây này sẽ trở thành cây gạo lớn, cảnh quan xưa sẽ dần trở lại.

Ứng xử như thế nào trước hai cây đa Tân Trào bị chết? Thông tin gần đây cho biết, UBND tỉnh Tuyên Quang sẽ phục hồi lại gốc đa đã chết bằng hệ thống cốt thép, móng bê tông cốt thép! cột đỡ, ngoài bọc vật liệu tổng hợp giả thân cây. Giải pháp này đã tối ưu chưa mà dự tính tốn kém đến 2,5 tỷ đồng. Ai cũng biết cây đa không chỉ có gốc, còn những cành đã cưa chặt thì sao? Tán lá sum suê thì sao? Chẳng lẽ chúng ta tạo nên hình ảnh cây đa Tân Trào rởm, khô cứng, không nhựa sống, vô hồn để con cháu muôn đời sau chiêm ngưỡng sao?
Tháng 4/2010 tôi vừa lên thăm lại cây đa Tân Trào. Nhìn những cây đa mới trồng mà ngao ngán lòng. Ai cũng biết ông cha ta trồng cây đa bao giờ cũng nằm trong một không gian khoáng đạt, tầm nhìn thoải mái. Vì khi cây phát triển thân rất to cao, tán rất rộng, rễ rất nhiều và lan tỏa dài rộng, vì vậy chúng ta phải lường trước khi cây trưởng thành. Tôi không thể hiểu nổi ai đã trồng sát ngay gốc cây đa Mẹ một cụm đến 3 cây đa nhỏ cao 6 – 7 mét, Giữa 2 cây đa cỗi còn trồng xin xít nhau đến 6 cây đa như thế nữa! Trồng bằng được, không hiểu là cây có phát triển được không, có sống được không? Rõ ràng đây là giải pháp tình thế ẫu trĩ, không tính đến không gian và thời gian phát triển của cây đa.
Nên chăng chọn đúng mầm non từ cây đa Ông và cây đa Bà, trồng chỉ 2 cây ở gần 2 gốc cây đã chết. Làm được như thế thì 30 – 40 năm sau, con cháu chúng ta lại có dịp tận hưởng không gian của hai cây đa lịch sử, vẫn hình dung ra đâu là cây đa Ông, đâu là cây đa Bà như đã từng có cách đây 65 năm, qua đó mà nhớ đến công ơn các vị cách mạng tiền bối. Không nên trồng túm tụm dày đặc như một rừng đa, làm khác hẳn không gian của hai cây đa đã từng gắn với lịch sử đất nước; càng không nên làm cây đa rởm bằng bê tông cốt thép và vật liệu tổng hợp, gây lãng phí, phản cảm, không trung thực.
Tôi biết việc này đã “quyết” rồi, khó ai nghe mà làm khác được, song tôi cũng viết bài đưa lên đây để khi kỷ niệm 100 năm cây đa Tân Trào, con cháu chúng ta thẩm định lại xem KTS Đoàn Đức Thành nói có chuản không thôi./.