THÀNH HUẾ – XƯA

Bài và ảnh: KTS ĐOÀN ĐỨC THÀNH
Năm 1802, Gia Long lên ngôi vua, đóng đô ở Huế. Suốt 143 năm các vua triều Nguyễn đã cho xây dựng ở Huế và vùng ven một hệ thống công trình kiến trúc đồng bộ và hoàn chỉnh, bao gồm: thành trì, cung đình, lăng tẩm, đền miếu, đình chùa, nhà vườn, phố phường,…mang sắc thái đặc biệt, có giá trị nghệ thuật cao. Khéo đưa thiên nhiên hòa quyện vào công trình kiến trúc tạo nên những không gian mềm mại, hòa hợp với cảnh quan xung quanh. Bởi vậy, quần thể Di tích Huế là một trong những kỳ quan của Đông – Nam Á và Thế giới. Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại.
* Ngọ Môn Huế xây dựng năm 1833. Ảnh: Đoàn Đức Thành. * KTS Đoàn Đức Thành trước Ngọ Môn Huế. Ảnh: Lê Ngọc Anh.

* Ngọ Môn Huế xây dựng năm 1833. Ảnh: Đoàn Đức Thành.. * Ngọ Môn Huế xây dựng năm 1833. Ảnh: Đoàn Đức Thành..* Kỳ đài ở trước Ngọ Môn Huế. Ảnh: Đoàn Đức Thành.* SV Kiến trúc Lê Ngọc Anh và KTS Đoàn Đức Thành trước cửa Hiển Nhơn, Đại Nội, Huế. Ảnh: Lê Ngọc Anh.
Vua Gia Long đã chọn khu đất bằng phẳng, cao ráo ở bờ Bắc Hương Giang để xây dựng Kinh thành. Mặt bằng Kinh thành có diện tích hơn 520 ha, bố cục theo kiểu truyền thống Việt Nam, gồm ba tòa thành cổ kính khép kín lồng nhau. Phòng thành là phòng ngự ngoài cùng, mặt bằng thành hình vuông, chu vi rộng tới 9.950 m, cao 6,5 m, rộng 21 m, xây dựng suốt 27 năm (1805-1832). Mặt trước xoay về hướng Nam, có dòng Hương Giang bao bọc, núi Ngự Bình và núi Bân làm bình phong. Hai đảo nhỏ mang tên Cồn Hến và cồn Dã Viên trên sông Hương làm “Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ” chầu trước mặt Kinh thành. Con sông đào mang tên Hộ Thành Hà sâu rộng, đưa nước từ dòng Hương Giang chảy qua các mặt chân của Phòng thành rồi lại về với Hương Giang. Giải pháp kiến trúc phòng ngự có ảnh hưởng kiểu thành Vauban của Pháp. Đó là một hệ thống gồm: 24 pháo đài án ngữ ở bốn góc và rải đều ở bốn cạnh trên mặt thành. Riêng góc thành ở phía Bắc, hướng ra biển, được bổ sung một thành phụ hình mang cá, chu vi khoảng 1000 m, gọi là Trấn Bình Đài hay đồn Mang Cá. Phòng thành có 13 cửa, trong đó 10 cửa chính xây nhà Vọng lâu ở trên để canh gác phòng thủ. Hình khối, đường nét kiến trúc nhà Vọng lâu mang sắc thái dân tộc đã làm dịu bớt kiểu cách cứng đờ của kiến trúc mặt thành. Ở chính giữa mặt trước Kinh thành có xây một kỳ đài nhiều cấp, cao lớn uy nghi.* Thể Nhân Môn thành Huế. Ảnh: Đoàn Đức Thành..* Thể Nhân Môn, thành Huế. Ảnh: Đoàn Đức Thành.* Hộ Thành Hà, thành Huế. Ảnh: Đoàn Đức Thành.. * Súng thời nào cũng nên bịt nòng lại. KTS Đoàn Đức Thành trước khẩu thần công Đại Nội, Huế. Ảnh: Lê Ngọc Anh..
Vòng thành giữa nhỏ hơn, gọi là Hoàng thành, Hoàng Cung hay Đại Nội. Mặt bằng gần vuông, chu vi 2,450m, cao 4m, tường gạch dày 1m. Bốn xung quanh có hào nước Kim Thủy Trì bảo vệ. Mỗi mặt thành có một cửa ở chính giữa, cửa Ngọ Môn ở hướng Nam, cửa Hòa Bình ở hướng Bắc, cửa Hiển Nhơn, Chương Đức ở hướng Đông -Tây. Các cửa này to cao bề thế, kiến trúc hoàn mỹ, điêu khắc đẹp, màu sắc hài hòa, có giá trị cao về nhiều mặt.
Vòng thành trong cùng là Tử Cấm thành, là trung tâm của Hoàng thành và Kinh thành. Mặt bằng thành bố cục gần vuông, chu vi 1.228 m, tường cao 3m, dày 0,70m. Mặt thành hướng Nam có một cửa chính gọi là Đại Cung, các mặt khác có hai cửa nhỏ.
Mặc dù là hệ thống công trình kiến trúc mang tính chất phòng thủ là chính, song người xưa đã khéo khai thác kiến trúc truyền thống hòa quyện với kiến trúc Pháp một cách hài hòa và có hiệu quả cao./.

(Bài đã in trong sách“Văn hóa Việt Nam” – Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương – Hà Nội, 1989)